A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng trọng tâm trong chuyển đổi số quốc gia năm 2024

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số năm 2024 là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

         Với cách làm cụ thể năm 2024, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp nhà nước tập trung vào nhiệm vụ phổ cập hạ tầng số. Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò tiên phong sáng tạo ứng dụng số đa dạng phục vụ các ngành, lĩnh vực. Các bộ, địa phương cùng tham gia sáng tạo và triển khai ứng dụng số để phát triển kinh tế số.

         Hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bao gồm các thành phần cơ bản là: hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.  

         Hạ tầng viễn thông, tập trung vào xóa vùng lõm sóng, bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động với Mục tiêu là phủ sóng gần 400 điểm lõm sóng theo phương châm điện đi đến đâu, sóng đi đến đó và bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động trong năm 2024. Địa phương chỉ đạo, tổ chức đo và lập danh sách các điểm mà mạng viễn thông di động chưa đạt 40 Mbps, tổ chức họp với các doanh nghiệp viễn thông yêu cầu bảo đảm tốc độ, phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông trong trường hợp không giải quyết được. Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp công cụ iSpeed để đo chất lượng và tốc độ mạng viễn thông di động.

         Thương mại hoá 5G bằng mục tiêu là triển khai thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024-2025. Địa phương ban hành quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng 5G. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá tần số, cấp phép, công bố quy chuẩn chất lượng dịch vụ ở mức cao để hạ tầng 5G thực sự trở thành hạ tầng của kinh tế số.

         Phổ cập điện thoại thông minh với mục tiêu là mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh. Địa phương tổ chức thực hiện từng bước theo một lộ trình cụ thể trong năm 2024 2025. Trước tiên, mỗi hộ gia đình có một thiết bị thông minh, sau đó, mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh. Đối với các gia đình thuộc đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo mà chưa có thì đề xuất sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Địa phương lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để triển khai. Trong trường hợp số hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt quá số lượng mà Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam có thể hỗ trợ, địa phương kết hợp các nguồn lực khác của địa phương, kết hợp với doanh nghiệp viễn thông hoặc huy động các nguồn lực xã hội hoá để triển khai. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy hoạch các băng tần thông tin di động để sử dụng công nghệ 3G trở lên từ tháng 9 năm 2024 và làm việc với các nhà mạng để cùng cam kết thực hiện; nghiên cứu, sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo mua điện thoại thông minh.

         Phổ cập Internet cáp quang băng rộng, mỗi hộ gia đình có khả năng tiếp cận một đường Internet cáp quang băng rộng trong năm 2024 - 2025. Địa phương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để phối hợp, có kế hoạch phát triển mạng viễn thông hiệu quả và bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạng viễn thông tại các khu vực khó khăn; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê các khu vực khó khăn chưa kết nối cáp quang để xem xét, đăng ký sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để triển khai đến từng thôn, bản.

         Hạ tầng IoT, tập trung vào nhiệm vụ triển khai nền tảng thiết bị IoT, trung bình mỗi người dân một SIM IoT. Triển khai Nền tảng thiết bị IoT cho phép tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thiết lập các kết nối, thu thập, quản lý dữ liệu từ các thiết bị IoT một cách hiệu quả, không phải đầu tư hạ tầng chuyên dùng để xây dựng, phát triển các ứng dụng IoT trong năm 2024 - 2025.

         Hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu tập trung vào thiết lập, khai thác hiệu quả trung tâm dữ liệu, nền tảng điện toán đám mây quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương; thử nghiệm sàn giao dịch dữ liệu: Trong đó, mỗi bộ, tỉnh xem xét, thiết lập, khai thác hiệu quả một trung tâm dữ liệu tập trung đạt tiêu chuẩn quốc gia để phục vụ nhu cầu của mình trong năm 2024; thử nghiệm sàn giao giao dịch dữ liệu.

         Hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng tập trung vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào mọi ngõ ngách cuộc sống; triển khai nền tảng trợ lý ảo, cho phép cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tự tạo và huấn luyện trợ lý ảo riêng theo nhu cầu trong năm 2024.

         Hướng dẫn phổ cập các yếu tố nền tảng cho kinh tế số sẽ tập trung phổ cập danh tính số sẽ phát triển và đưa các tiện ích lên ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ trì phát triển để thông qua một ứng dụng duy nhất, người dân có thể truy cập, sử dụng tất cả dịch vụ của cơ quan nhà nước.  Địa phương triển khai các nội dung: Tuyên truyền, thúc đẩy người dân thiết lập tài khoản VNeID định danh mức độ 2; Lập danh sách các hệ thống thông tin phục vụ người dân, tích hợp sử dụng tài khoản VneID.  Bộ Công an hoàn thành và triển khai cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 6/2024.

         Với phổ cập chữ ký số cá nhân: Địa phương triển khai phổ cập cho người dân trưởng thành sử dụng chữ ký số cá nhân, triển khai các nội dung, bao gồm: Tích hợp tính năng ký số vào Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh; Ban hành chính sách khuyến khích sử dụng chữ ký số, ví dụ, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số để ký hợp đồng lao động; Phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số tổ chức các chiến dịch cấp chữ ký số miễn phí cho người dân; Phối hợp với Bộ Công an tích hợp chữ ký số trên ứng dụng VNeID.

         Với phổ cập ứng dụng thanh toán số: Địa phương triển khai các nội dung: Phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục làm thẻ, ví điện tử cho người dân; Đối với các vùng, miền tiếp cận khó tới dịch vụ ngân hàng, địa phương phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để triển khai dịch vụ Mobile Money, phát triển điểm kinh doanh và đơn vị chấp nhận thanh toán để người dân có thể nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán bằng tài khoản Mobile Money mà không cần có tài khoản ngân hàng; Thực hiện tuyên truyền, khuyến khích các cửa hàng, cửa hiệu, bệnh viện, trường học hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt; Có các chính sách ưu đãi cho hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; Triển khai các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số không dùng tiền mặt như: làng số, xã số, khu phố không dùng tiền mặt, từ đó nhân rộng, lan tỏa kinh nghiệm. 

         Với phổ cập ứng dụng hóa đơn điện tử: Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, bảo đảm việc tiếp nhận, kết nối hóa đơn điện tử của cơ quan thuế đảm bảo thông suốt, thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; hoàn thành giải pháp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

         Với phổ cập ứng dụng hợp đồng điện tử: Các bộ ngành cần rà soát, cập nhật, ban hành các quy định pháp luật chuyên ngành, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy tỉ lệ hợp đồng điện tử. Đặc biệt, tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như hợp đồng lao động điện tử, hợp đồng thương mại điện tử trong các lĩnh vực như du lịch, giao thông.

         Hướng dẫn sáng tạo ứng dụng số tập trung vào các nhóm, từ đáp ứng các nhu cầu cơ bản, đến đáp ứng các nhu cầu đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, như: Tập trung vào các nhu cầu cơ bản của người dân như: giao tiếp, đi lại, học tập, làm việc, sử dụng DVCTT, du lịch, giải trí.   Tập trung vào các nhu cầu cơ bản của doanh nghiệp (nhu cầu mà doanh nghiệp nào cũng có như quản trị tài chính, quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh). Và đặc biệt, nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp trên cả nước nhưng nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số còn rất hạn chế.  Tập trung vào các nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực theo 05 nhóm trọng tâm gồm: Nông nghiệp, Du lịch, Dệt May, Logistics và Công nghiệp chế biến, chế tạo. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải nhận lấy nhiệm vụ phát triển các ứng dụng số để chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, với 6 bài toán lớn hiện nay liên quan đến: Bài toán phát triển kinh tế số nông nghiệp; phát triển kinh tế số du lịch; tối ưu chi phí logistics; chuyển đổi số ngành Dệt May; Bài toán chuyển đổi số công nghiệp chế biến, chế tạo; Vấn đề chuyển đổi số, gắn liền với chuyển đổi xanh để phát triển quốc gia nhanh, bền vững.

                                                                  Nguồn: Bộ TT&TT


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới
Tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Hôm qua : 34
Tháng 10 : 720
Tháng trước : 1.051
Năm 2024 : 10.453
LIÊN KẾT