I. Tổ chức hành chính và hệ thống chính trị cơ sở

Đăk Mar được thành lập ngày 03/9/1998 theo Nghị định số 69/CP của Chính phủ tổng diện tích tự nhiên là 4.506,19 ha. Tổng dân số là 1.721 hộ với 8.401 nhân khẩu, toàn xã có 7 thôn, trong đó có 03 thôn là người đồng bào dân tộc thiểu số (Xê Đăng, Ba Na, Rơ Ngao) chiếm trên 41% dân số toàn xã; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3.46%, cận nghèo 8%. Năm 2014 xã đạt chuẩn xã Nông thôn mới; năm 2022 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

+ Đảng ủy xã có 142 đảng viên, có 15 chi bộ trực thuộc.

+ UBMTTQVN xã có 07 ban Công tác cơ sở.

+ Hội CCB xã có 255 hội viên, 07 chi hội.

+ Đoàn TN xã có 142 đoàn viên, 12 chi đoàn.

+ Hội PN xã có 937 hội viên, 07 chi hội.

+ Hội ND xã 768 hội viên, 07 chi hội.

+ Hội người cao tuổi xã 650 hội viên, 07 chi hội.

1. Vị trí địa lý – địa hình

Xã Đăk Mar nằm cách trung tâm huyện Đăk Hà khoảng 05 km về phía Bắc; phía Đông giáp xã Đăk Ui và thị trấn Đăk Hà; phía Tây giáp huyện Sa Thầy bị ngăn cách bởi lòng hồ thủy điện Plêi Krông; phía Nam giáp thị trấn Đăk Hà; phía Bắc giáp xã Đăk Hring.

Về tổng thể địa hình toàn xã tương đối bằng phẳng, có độ nghiêng dần đều từ Bắc xuống Nam, từ Đông Bắc xuống Tây Nam với 3 dạng địa hình chính, đó là núi cao- sườn dốc chiếm 12%; đồi bằng - lượn sóng chiếm 52% và đất bằng trũng chiếm 36%. Điểm cao nhất nằm phía Đông Bắc có độ cao 973m (núi Xẻ Đầu thuộc thôn Kon Klôk), điểm thấp nhất nằm phía Đông Nam có độ cao 520m (khu vực sông Pô Kô). Khu trung tâm xã có địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 595 - 617m, độ dốc trung bình từ 1- 4%, thoát nước tốt, không ngập lụt. Với kiểu địa hình đồi núi cao, bị chia cắt mạnh bởi các khe suối, dạng địa mạo đồi bát úp, yên ngựa và giông dài lượn sóng với nhiều thung lũng hẹp, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp nhất là cây công nghiệp lâu năm và xây dựng kết cấu hạ tầng.                      

Xã có Rừng đặc dụng Đăk Uy diện tích rộng 546,61ha, tương đối bằng phẳng, là khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng về hệ sinh thái không chỉ của xã mà còn của huyện Đăk Hà và tỉnh Kon Tum. Đặc biệt ở đây có loại cây Trắc - một loại cây đặc hữu của 3 nước Đông Dương đã được liệt kê vào sách đỏ Việt Nam mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện đang ra sức bảo tồn, giữ gìn. Rừng đặc dụng Đăk Uy hiện nay đang thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát để xây dựng Khu du lịch sinh thái, kết hợp tâm linh và phát triển thảo dược.

Hệ thống giao thông của xã tương đối thuận lợi. Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) chạy dài qua xã khoảng 3,5 km, là trục nối liền với các tỉnh ở Tây Nguyên và các vùng kinh tế Nam Bộ; Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y phía Tây nối với các khu kinh tế tại Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung. Ngoài quốc lộ 14, còn có hệ thống đường liên thôn, đường mòn xuyên qua các dãy núi tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn trên địa bàn xã, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và hội nhập trong tình hình mới.

2. Khí hậu – thủy văn

Xã Đăk Mar thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, nằm trong vùng phía Tây Trường Sơn, do vậy mang đặc trưng của khí hậu vùng Tây Nguyên, thuộc tiểu vùng khí hậu Kon Tum, có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,30; nhiệt độ cao nhất là 390, nhiệt độ tháng lạnh nhất (tháng 1) từ 150 đến 170.. Lượng mưa trung bình năm 1.736,9mm, nhưng phân bổ không đều, trong đó mùa mưa, lượng mưa chiếm 80%. Số ngày mưa trung bình năm là 131 ngày. Lượng mưa lớn nhất trong năm thường là tháng 8 khoảng 336,1mm. Lượng mưa thấp nhất trong năm (tháng 1 và tháng 2) khoảng 0,7mm.

Độ ẩm tương đối trung bình năm 78,7%. Độ ẩm tương đối trung bình tháng cao nhất là 90,0% (tháng 08). Độ ẩm tương đối thấp nhất là 64,5% (tháng 02).

 Hướng gió chủ đạo về mùa khô là hướng Đông Bắc và hướng Đông; về mùa mưa là hướng Tây và Tây Nam. Tốc độ gió trung bình 5,2m/s. Tốc độ gió cao nhất là 20m/s. Hầu như trên địa bàn xã không có bão, chỉ bị ảnh hưởng bão và áp thấp gây gió lốc kèm theo mưa to.

Sông, suối trên địa bàn xã nổi bật nhất là con sông Krông Pô Kô chảy qua, trải dài từ phía Bắc giáp địa bàn xã ĐăkHring xuống phía Nam giáp với xã Hà Mòn và thị trấn Đăk Hà. Đây cũng là ranh giới giữa địa bàn xã Đăk Mar với xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy về phía Tây. Nơi đây đã hình thành nên công trình thủy điện Plei Krông tạo nguồn năng lượng dồi dào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời vừa điều phối đảm bảo nguồn thủy năng đối với Nhà máy thủy điện Yaly vừa đảm bảo lượng nước tưới, tiêu cho diện tích cây trồng trên địa bàn  xã và huyện Đăk Hà nói chung.

Ngoài ra còn có hệ thống các con suối nhỏ bắt nguồn từ các xã Đăk Ui, Đăk Hring chảy qua trung tâm thôn Kon Klốc và về địa bàn thị trấn Đăk Hà, tạo thế xây dựng đập trữ nước (Hồ 707), đập thuỷ lợi 6b, 6c phục vụ tưới diện tích lúa nước và cây công nghiệp thuộc địa bàn thôn Kon Klôk, thôn 1.

3. Về thổ nhưỡng: Xã Đăk Mar có 04 loại đất chính, rất thích hợp cho sự phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn trái:

- Đất feralit đỏ vàng phát triển trên đá mẹ phiến Sét, biến chất(FHS). Tầng đất dày trung bình là phổ biến, thành phần cơ giới thịt trung bình, thịt nhẹ.

 - Đất feralit mùn nâu đỏ ( FHK): Hình thành trên đá macma kiềm và trung tính. Loại đất này có tầng đất dày, thành phần cơ giới trung bình đến nặng, tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

- Đất mùn trên núi cao (Ha, Hs): Tầng thảm mục dày, hàm lượng mùn thô cao nhưng tầng đất thường mỏng, có lẫn nhiều mảnh mẫu chất do sản phẩm phong hoá không hoàn toàn của đá mẹ.

- Đất phù sa sông suối: được hình thành do quá trình bồi lắp phù sa hai bên sông Pô Kô, đất dốc tụ ven đồi có màu xám nâu, tầng đất dày, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

III. ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Đặc điểm kinh tế-xã hội:

Về kinh tế: Cũng như các dân tộc bản địa sinh sống trên địa bàn tỉnh Kon Tum và khu vực Tây Nguyên, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc xã Đăk Mar trước đây chủ yết là sản xuất nông nghiệp kết hợp với săn bắt, hái lượm đóng vai trò chủ đạo. Trong đó, hoạt canh tác nương rẫy là chủ yếu; phương tiện vận chuyển truyền thống chủ yếu là gùi cõng trên lưng. Nếp sản xuất ấy duy trì cố hữu làm cho đa số đồng bào tuy lao động vất vả nhưng năng suất đem lại thường thấp, kinh tế tự cung, tự cấp, sống chủ yếu nhờ trồng rẫy, chưa biết đến làm thủy lợi, sử dụng phân bón hay sức kéo trong sản xuất, mùa màng phó thác hoàn toàn vào thời tiết, tự nhiên nên năng suất bấp bênh, tình trạng thiếu lương thực trong các tháng giáp vụ thường xuyên xảy ra.

Trong sản xuất nông nghiệp: Với lối canh tác “phát, đốt, chọc, trỉa”, chủ yếu sử dụng các công cụ thô sơ như dao, gậy chọc lỗ, rìu, rựa phát cây, tuốt lúa bằng tay. Tùy theo địa hình mà có phương thức canh tác khác nhau như nương rẫy, vườn đồi, dọc khe suối nhưng chủ đạo canh tác vẫn là nương rẫy, cách gieo trồng là dùng gậy có đầu nhọn, chọc lỗ thả hạt giống xuống lấp đất, rồi tiến hành rào cọc le xung quanh, đặt chông và làm chòi để trông giữ thú rừng phá hoại. Khi đến mùa thu hoạch nông sản đồng bào dùng gùi chuyển về nhà hoặc phơi khô cất giữ trong chòi rẫy để dùng dần trong năm. Đây là tập quán lâu đời của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và của người dân tộc thiểu số Ba Na, Xơ Đăng xã Đăk Mar nói riêng.

Về chăn nuôi: Do điều kiện tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, nhiều tầng lớp thực vật, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi tập trung, nhưng đồng bào nơi đây chưa có hướng phát triển chăn nuôi thành đàn. Điểm chung trong từng gia đình vẫn là chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà và thường thả rông gần nơi cư trú hoặc trong rừng. Việc nuôi gia súc, gia cầm để phục vụ hiến tế thần linh, làm vật trao đổi, giết mổ lễ hội lớn của làng, dòng họ hoặc nhà có đám cưới, đám tang... Núi, rừng là điều kiện sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc bản địa nơi đây. “Núi rừng, sông suối được người dân nơi đây coi như một thần tượng, thần linh” vì đã đem lại cho họ những thực phẩm mà thiên nhiên ban tặng như: rau rừng, thú rừng và các điều kiện sinh hoạt khác.

Từ sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, hòa vào sự nghiệp đổi mới của đất nước với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh vùng Tây Nguyên, nhất là vai trò của các đơn vị bộ đội chủ lực thuộc Đoàn 773, sau này là Liên hiệp Xí nghiệp cà phê 331, đã tạo tiền đề hình thành nên những cánh đồng lúa nước, cà phê, cao su bạt ngàn; thu hút người dân từ mọi miền Tổ quốc về đây sinh sống cùng với dân tộc bản địa Ba Na, Xơ Đăng đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa với vị trí địa lý gần trung tâm huyện lỵ, có Rừng đặc dụng Đăk Uy, Cụm công nghiệp Đăk Mar, Chùa tháp Kỳ Quang, lòng hồ thủy điện Plei Krông… tất cả hứa hẹn sẽ đưa xã Đăk Mar trở thành một xã giàu mạnh và văn minh trong tương lai.

Về mặt xã hội: Trong thiết chế xã hội truyền thống các dân tộc bản địa Ba Na, Xơ Đăng của xã Đăk Mar nói riêng, của huyện Đăk Hà và tỉnh Kon Tum nói chung, tổ chức xã hội duy nhất là “làng”. Làng là đơn vị xã hội duy nhất được xem như một đơn vị hành chính, cố kết cộng đồng theo quan hệ dòng tộc, gia đình với bộ máy tự quản và luật tục, tín ngưỡng - tôn giáo. Trong đó, bộ máy tự quản và luật tục có vai trò quan trọng tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân trong làng. Đứng đầu mỗi làng là các chủ làng thường được gọi là chủ làng - là người có uy tín, được tập thể nhân dân suy tôn, quán xuyến mọi công việc của làng từ “đối nội” đến “đối ngoại”; từ cuộc sống sinh hoạt đời thường đến phát triển kinh tế-xã hội; cuộc sống tâm linh đến bảo tồn văn hóa được giải quyết một cách hài hòa.

Trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, thôn, làng trên địa bàn xã hiện nay được quản lý theo các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước với bộ máy gồm chi bộ, ban quản lý, mặt trận và các đoàn thể thôn. Bên cạnh đó, “thiết chế tự quản”, vai trò của già làng, người có uy tín, cùng với quy ước, hương ước trong cộng đồng khu dân cư đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xây dựng khối đại đoàn kết, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.

2. Đặc điểm văn hóa:

Với sự đan xen, giao thoa sinh sống giữa người dân tộc và người Kinh trên địa bàn đã hun đúc, hình thành nên nết đăc trưng văn hóa – xã hội của cư dân trên địa bàn. Người dân tộc Ban Na, Xơ Đăng có nền văn hóa mang nét đặc trưng của sản xuất nương rẫy, đó là truyền thống canh tác trên vùng đồi, núi đất dốc, khô. Từ đó, tạo cho họ gắn bó với núi rừng để sinh tồn của mỗi người dân, cộng đồng làng. Núi rừng, sông suối là tâm linh của họ, cho họ nhiều điều trong cuộc sống. Mọi hoạt động sản xuất của cộng đồng đều gắn liền với thiên nhiên; từ đó, hình thành tín ngưỡng, tâm linh “vạn vật hữu linh”, mọi vật đều có linh hồn và thần linh ngự trị và có nhiều nghi thức lễ trong năm gắn với chu kỳ vòng đời của con người, hình thức canh tác nông nghiệp trong một năm như: Lễ mừng lúa mới, Lễ đâm trâu, Lễ mừng nhà rông... Trong số các nghi lễ, lễ đâm trâu được tổ chức long trọng, đông vui nhất. Tuy nhiên, từ năm 1995 do trâu, bò dùng làm sức kéo phục vụ sản xuất và có giá trị kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo nên người dân không tổ chức lễ hội đâm trâu mà chỉ tổ chức Lễ uống nước giọt, Lễ mừng lúa mới.

Trong tín ngưỡng của đồng bào, vị thần thường được nhắc đến với niềm kính sợ là thần sấm sét (Bokglaih). Theo quan niệm, đây là vị thần duy trì phong tục của cư dân, phù hộ cho cộng đồng chiến thắng trong các cuộc xung đột, chiến tranh với các cộng đồng khác. Trong mọi hoạt động của đời sống mỗi cá nhân cũng như cộng đồng dân tộc Ba Na, Xơ Đăng trước đây bị chi phối bởi các lực lượng siêu nhiên, đó là “Yàng”. Cùng với thần núi, thần bản mệnh của làng hay của mỗi người, thần sấm sét giúp cho thần lúa trong việc điều hòa mưa nắng, làm cho mùa màng được thuận lợi. Một vị thần khác cũng được coi trọng là thần lúa (còn gọi là Xri hay Hri), vị thần trông coi mùa màng, chủ yếu là lúa theo quan niệm của đồng bào.

Người Ba Na ăn cơm nếp, Xơ Đăng ăn cơm tẻ. Nam, nữ đều thích uống rượu cần. Ở nhà sàn, cửa ra vào mở về phía mái, trên hai đầu đốc đều có trang trí hình sừng. Trang phục: Nam đóng khố, nữ quấn váy, nửa thân trên để trần hoặc mặc áo cánh ngắn chui đầu. Ca hát, âm nhạc, là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần đời thường của đồng bào dân tộc bản địa Ba Na, Xơ Đăng có kho tàng dân ca phong phú, phổ biến là điệu Hmon và Roi. Nhạc cụ cũng rất đa dạng, độc đáo (bộ dây, bộ hơi và bộ gõ...). Trường ca, truyện cổ thích hát múa, tấu chiêng, cồng, chơi đàn, kể chuyện cổ. Đồng thời, có lối kiến trúc, điêu khắc, hội họa độc đáo đã tạo nên những nét đặc trưng riêng, mà tiêu biểu là nhà rông, cây nêu trong lễ uống nước giọt. Hiện nay, trên địa bàn có những nghê nhân tiêu biểu như Y Khar thôn Kon Klôk, A Đáo thôn Kon Gung, đã góp phần quan trọng trong dìn giữ, bảo tồn, truyền dạy văn hóa cho các thế hệ trẻ của dân tộc trên địa bàn.

Lễ hội: Người Ba Na, Xơ Đăng nói chung thường tổ chức nhiều nghi lễ liên quan đến vòng đời người cũng như quá trình sinh trưởng của cây trồng nhằm cầu mong cho cây cối tốt tươi, không sâu bệnh, được mùa, cho đời sống của dâng làng no đủ; bắt đầu từ lễ chọn đất, lễ trỉa lúa, lễ cúng lúa mới, lễ thu hoạch lúa, lễ mở cửa kho lúa…. Ngoài ra, còn những lễ khác như: Lễ đâm trâu, Lễ mừng nhà Rông, Lễ uống nước giọt, Lễ mừng lúa mới… Trong đó, hai lễ chính được tổ chức hằng năm là Lễ giọt nước, Lễ mừng lúa mới, đây là những lễ hội mang tính cộng đồng quan trọng nhất trong một năm, là một chu trình trong sản xuất nông nghiệp truyền thống. Trong các lễ này thường có múa xoang, đánh cồng chiêng… Bên cạnh đó, đồng bào còn làm lễ mừng trâu, bò, dê, heo đẻ…bởi họ quan niệm mọi vật đều được Giàng tạo ra, do đó phải có nghi lễ đón nhận.

  Hôn nhân gia đình: Tên của người dân tộc thiểu số không có họ kèm theo, nhưng có từ chỉ định giới tính: Nam là A, nữ là Y. Trai gái lớn lên, sau khi đã cà răng theo phong tục (ngày nay không có người theo phong tục này), được tìm hiểu, yêu nhau. Lễ cưới xin đơn giản. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng trẻ luân phiên ở hai bên gia đình nhà trai, nhà gái mỗi bên ít năm, rất ít trường hợp ở hẳn một bên. Người dân tộc thiểu số có sự đối xử bình đẳng giữa nam và nữ, không phân biệt giữa con riêng và con chung, con đẻ và con nuôi, con của mình và con của anh em họ. Quan hệ trong làng  khá đoàn kết, có tục kết nghĩa với người cùng tuổi hoặc cùng tên. Con cháu cùng họ không được phép kết hôn với nhau. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Dân tộc Ba Na, Xơ Đăng tại các làng Kon Klôk, Kon Gung, Đăk Mút là những dân tộc bản địa sinh sống đầu tiên trên địa bàn xã Đăk Mar. 

Về tang ma: Khi gia đình có người chết, người nhà nổi chiêng, trống báo hiệu cho toàn thể cộng đồng biết để đến cùng gia đình lo làm ma. Người chết được thay áo, váy, khố mới, được đưa ra khỏi nhà và đặt trong nhà tang - ngôi nhà vừa được cả cộng đồng cùng làm bằng tranh, tre, nứa gọi là nhà mồ. Ở mỗi làng của người Ba Na, Xơ Đăng thường có khu mộ chung và những người chết bình thường sẽ được chôn tại đây. Người chết được “chia của”, bao gồm những vật dụng hàng ngày như quần áo, tư trang, công cụ, đồ gia dụng. Do vậy, lễ tang chỉ là một cuộc tiễn đưa đầy lưu luyến giữa người đi kẻ ở. Lúc này, mọi người mang đến rượu, heo, gà cùng nhà chủ làm bữa ăn cộng đồng chia tay với người chết, rồi mới đem người chết đi chôn tại nghĩa địa của làng.

Đối với người Kinh trên địa bàn, do quá trình định cư trong làm kinh tế mới, nên đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng vùng, miền, nhưng điểm chung, tiêu biểu nhất là phong tục thờ cúng tổ tiên; trong mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên, ông, bà và được trang trí, đặt ở nơi trang trọng nhất.

Về tôn giáo, đến giữa thế kỷ XIX các nhà truyền giáo phương Tây đã lên gây cơ sở đạo Kitô trong cộng đồng các dân tộc bản địa Đăk Hà - Kon Tum nhằm thực hiện mưu đồ xâm lược và đô hộ lâu dài của chúng. Trong quá trình xâm chiếm Đăk Hà - Kon Tum, Mỹ - Diệm đã thiết lập một loạt các nhà thờ trong hệ thống ấp chiến lược, các khu dồn dọc Quốc lộ 14, tiêu biểu là nhà thờ Ngô Trang (xã Đăk La), Kontranglongloi (thị trấn Đăk Hà), Kon Bơ Băn (xã Ngok Réo), Kon Kla (Đăk Pxy), Kon Hring (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô ngày nay) nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào cũng như phục vụ mục đích cai quản, xâm lược của chúng. Trong quá trình dồn dân, lập ấp, điều chuyển qua nhiều địa bàn, 100% đồng bào các dân tộc bản địa trên địa bàn xã Đăk Mar đã lấy Đạo Công giáo làm nhu cầu sinh hoạt của mình.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến các hoạt động tôn giáo của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, từ khi thành lập xã đến nay, các tín đồ theo các tôn giáo trên địa bàn tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện sinh hoạt và phát triển. Năm 2008 nhà nguyện Đăk Mút được công nhận là điểm sinh hoạt tôn giáo; năm 2014 được công nhận là Giáo xứ và được đầu tư xây dựng khang trang với diện tích 5400 m2, khuôn viên rộng 206 m2, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của giáo dân 2 làng Kon Gung, Đăk Mút. Cuối năm 2008, chùa tháp Kỳ Quang được khởi công xây dựng trên khuôn viên rộng 03 ha, tại thôn 3 xã Đăk Mar, dọc bên đường Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tăng ni phật tử không chỉ trên địa bàn xã mà còn của huyện Đăk Hà và tỉnh Kon Tum. Theo kết quả tổng điều tra dân số huyện Đăk Hà năm 2019, toàn xã Đăk Mar có 3.765 tín đồ theo các tôn giáo, chiếm 45% dân số, trong đó; đạo Công giáo có 3.550 tín đồ, chiếm 42% so với dân số; đạo Phật 412 tín đồ, chiếm 11%. Có 01 linh mục của đạo Công giáo; 01 nhà tu hành phụ trách Phật giáo.