A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số quốc gia, mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho người dân, doanh nghiệp

Chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược đối với phát triển kinh tế. Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, bài bản, kinh nghiệm bám sát thực tiễn và hiệu quả hơn; Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở; Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực; Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực; Hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển; Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh.

Công tác tổ chức thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực được người dân, doanh nghiệp ủng hộ, tham gia tích cực hơn. Chuyển đổi số đã đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng người. Niềm tin của các cấp, các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp được củng cố và nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới.

Bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn những hạn chế, bất cập, cần phải chỉ đạo khắc phục kịp thời trong thời gian tới: Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chưa kịp thời, đồng bộ; Nhiều nhiệm vụ theo Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 chưa hoàn thành theo tiến độ; Phát triển kinh tế số chưa tương xứng với tiềm năng, đầu tư còn dàn trải chưa bảo đảm kế hoạch đặt ra, khó hoàn thành mục tiêu đến năm 2025; Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa đột phá; chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin”; còn nhiều thôn, bản chưa có đường cáp quang, nhiều điểm lõm sóng, lõm điện; Công tác an toàn thông tin, an ninh mạng chưa được quan tâm đúng mức, tình hình tấn công mạng, nhất là mã độc tống tiền và lừa đảo qua mạng tăng mạnh trong thời gian qua; Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) còn chậm; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao; Nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, nhất là nhân lực trình độ cao, phân bổ chưa đồng đều.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế cấn khắc phục, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác chuyển dổi số đó là:

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp. Người đứng đầu phải vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu. Nói thật, làm thật để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật những thành quả do chuyển đổi số mang lại theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả để dễ kiểm tra, giám sát, khen thưởng, phê bình, nhắc nhở, xử lý.

Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, mạnh dạn thí điểm các mô hình mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.

Luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân. 

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu trong chuyển đổi số quốc gia, kết luận tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trực tuyến với các bộ, ngành và 63 địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhất là phát triển kinh tế số, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể trong chuyển đổi số quốc gia, mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.

Khẩn trương ban hành, cập nhật danh mục dữ liệu chia sẻ theo nhiệm vụ Chính phủ giao tại Khoản 2 Điều 34 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Trực tiếp chỉ đạo tập trung số hóa dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương mình; kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương để làm giàu dữ liệu; tuân thủ theo quy định những thông tin, dữ liệu thuộc bí mật quốc gia không được chia sẻ. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước trong việc xây dựng, phát triển hạ tầng số, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số.

Hoàn thành việc xây dựng đề án chuyển đổi số của bộ, cơ quan, địa phương (tương tự Đề án 06) theo nhiệm vụ Chính phủ giao tại điểm n khoản 1 Mục I Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2024 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả nghiên cứu các dự thảo tiểu Đề án chuyển đổi số bảo đảm kết nối với Đề án 06 do Bộ Công an chuyển theo nhiệm vụ được giao tại điểm d Mục 18 Phục lục Nhiệm vụ ban hành kèm theo Nghị quyết số 82/NQ-CP nêu trên.

Phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; Đến năm 2025 đạt 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.

Khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ về thúc đẩy số hóa các ngành kinh tế tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ban hành kèm theo Quyết định số 58/QĐ-UBQGCĐS ngày 19 tháng 4 năm 2024, trong đó: hoàn thiện thể chế, chính sách; tổ chức các Phiên họp, hội nghị thúc đẩy số hóa ngành, lĩnh vực; trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch số hóa ngành, lĩnh vực và tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt.

Sớm hoàn thành triển khai 30 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (10/53 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022, Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2022 và 20 dịch vụ công ưu tiên theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2024), nhất là tích hợp, công bố nhóm TTHC đăng ký thành lập hộ kinh doanh và đăng ký thuế lên Cổng DVC quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL về người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với HTTT giải quyết TTHC cấp tỉnh.

Khẩn trương tập trung xử lý dứt điểm các nhiệm vụ chậm, quá hạn, tồn đọng được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06. Yêu cầu 04 cơ quan và 07 địa phương chưa ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2024, hoàn thành trước ngày 20 tháng 7 năm 2024.

Bộ Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thống nhất nội dung, khẩn thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030” trong tháng 7 năm 2024.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2024). Sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành tiêu chuẩn về địa chỉ số quốc gia trong tháng 7 năm 2024. Giao đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, trong đó có đào tạo chuyển đổi số cho các đồng chí lãnh đạo các cấp và đào tạo cho chương trình giáo dục phổ thông.

Bộ Công an

Tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban hàng tháng, có đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL của các bộ, ngành, địa phương.

Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham mưu đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ phù hợp với tình hình thực tế và tình hình triển khai Đề án 06, Luật Căn cước bảo đảm theo đúng quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, hoàn thành trong tháng 7 năm 2024.

Chỉ đạo Tổng cục Thống kê công bố theo thẩm quyền số liệu tỷ trọng kinh tế số trong GDP hàng năm. Trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Thông tin và Truyền thông về số liệu này, Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để thống nhất, công bố số liệu tỷ trọng kinh tế số trong GDP hàng năm theo đúng quy định.

Bộ Tài chính

 Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bảo đảm đảm tiến độ, chất lượng. Giao đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo.

Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử trong bán lẻ trực tiếp. Rà soát, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm của các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn điện tử.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh (ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc…).

Bộ Công Thương xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử phục vụ công tác quản lý thuế và các công tác quản lý nhà nước khác theo yêu cầu của Chính phủ.

Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Lưu trữ (sửa đổi), báo cáo lộ trình trong tháng 7 năm 2024. Giao đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo xử lý.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kết nối, chia sẻ dữ liệu của ngành Tư pháp như: CSDL hộ tịch điện tử, quốc tịch, lý lịch tư pháp với CSDL quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 7 năm 2024.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng quy định của pháp luật phục vụ làm sạch dữ liệu, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an đẩy nhanh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản với CSDL quốc gia về dân cư, hoàn thành trong tháng 7 năm 2024.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công an thực hiện kết nối với CSDL quốc gia về dân cư để liên thông dữ liệu đăng ký tàu cá, nhật ký khai thác thuỷ sản; tích hợp tài khoản VNeID và thực hiện các thủ tục về đăng ký tàu cá, khai thác thủy sản, hoàn thành trong tháng 8 năm 2024.

Bộ Y tế sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án, kế hoạch thu thập thông tin, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính, mẫu đối chứng của thân nhân liệt sĩ cần xác định danh tính để phục vụ lưu trữ, tìm kiếm lâu dài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về chủ trương trước ngày 25 tháng 7 năm 2024 để chính thức công bố triển khai trước ngày 27 tháng 7 năm 2024.

Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 (thường xuyên, đột xuất); đồng thời tổ chức khen thưởng theo thẩm quyền được giao. Việc khen thưởng bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng./.

                                                                                   Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Kon Tum


Tác giả: Đỗ Thị Huyền
Nguồn:Cổng TTĐT tỉnh Kon Tum Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Văn bản mới
Tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7
Hôm qua : 44
Tháng 09 : 563
Tháng trước : 1.463
Năm 2024 : 9.245
Liên kết cột trái